CÁC TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ HUY ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG VỐN FDI
Để đưa ra những tiêu chí đánh giá hiệu quả của việc huy động và sử dụngvốn FDI trước hết chúng ta cần xem xét những nhân tố ảnh hưởng tới hoạt động FDI.
1. Các nhân tố ảnh hưởng tới việc huy động và và sử dụng FDI.
1.1. Môi trường chính trị- xã hội.
Sự ổn định chính trị – xã hội có ý nghĩa quyết định đến việc huy động và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Tình hình chính trị không ổn định, đặc biệt là thể chế chính trị (đi liền với nó là sự thay đổi luật pháp) thì mục tiêu và phương thức thực hiện mục tiêu cũng thay đổi. Hậu quả là lợi ích của các nhà ĐTNN bị giảm (họ phải gánh chịu một phần hay toàn bộ các thiệt hại đó) nên lòng tin của các nhà đầu tư bị giảm sút. Mặc khác, khi tình hình chính trị – xã hội không ổn định, Nhà nước không đủ khả năng kiểm soát hoạt động của các nhà ĐTNN, hậu quả là các nhà đầu tư hoạt động theo mục đích riêng, không theo định hướng chiến lược phát triển kinh tế -xã hội của nước nhận đầu tư. Do đó hiệu quả sử dụng vốn FDI rất thấp.
Kinh nghiệm cho thấy, khi tình hình chính trị -xã hội bất ổn thì các nhà đầu tư sẽ ngừng đầu tư hoặc không đầu tư nữa. Chẳng hạn, sự lộn xộn ở Nga trong thời gian qua đã làm nản lòng các nhà đầu tư mặc dù Nga là một thị trường rộng lớn, có nhiều tiềm năng…Tuy nhiên, nếu chính phủ thực hiện chính sách cởi mở hơn nữa thì chỉ làm giảm khả năng thu hút các nhà ĐTNN, cá biệt có trường hợp trong chiến tranh vẫn thu hút được FDI song đó chỉ là trường hợp ngoại lệ ddối với các công ty thuộc tổ hợp công nghiệp quân sự muốn tìm kiếm cơ hội buôn bán các phương tiện chiến tranh hoặc là sự đầu tư của chính phủ thông qua hình thức đa phương hoặc song phương nhằm thực hiện mục đích riêng. Rõ ràng, trong trường hợp này, việc sử dụng FDI không đem lại hiệu kinh tế – xã hội cho nước tiếp nhận đầu tư.
1.2. Sự ổn định của môi trường kinh tế vĩ mô.
Đây là điều kiện tiên quyết của mọi ý định và hành vi đầu tư. Điều này đặc biệt quan trọng đối với việc huy động và sử dụng vốn nước ngoài. Để thu hút được FDI, nền kinh tế địa phương phải là nơi an toàn cho sự vận động của vốn đầu tư, và là nơi có khả năng sinh lợi cao hơn các nơi khác. Sự an toàn đòi hỏi môi trường vĩ mô ổn định, hơn nữa phải giữ được môi trường kinh tế vĩ mô ổn định thì mới có điều kiện sử dụng tốt FDI.
Tính ổn định phải thoả mãn 2 yêu cầu:
– Là sự ổn định vững chắc nhưng không phải và không thể là sự ổn định bất động. Một sự ổn định vững chắc nhưng bất động chỉ có thể là sự ổn định trong ngắn hạn, nếu xét trong dài hạn, sự ổn định này tiềm ẩn một sự bất ổn. Bởi sự ổn định, về nguyên tắc, không thể đồng nghĩa với sự trì trệ.
– Ổn định trong tăng trưởng: tức là kiểm soát được nhịp độ tăng trưởng, không gây ra trạng thái “quá nóng” của đầu tư và đi liền với nó là lạm phát xảy ra. Tăng trưởng tức là phá vỡ thế ổn định cũ nhưng nếu quá trình tăng trưởng được kiểm soát sao cho có thể chủ động tái lập được thế cân bằng mới thì sẽ tạo cơ sở cho sự ổn định vững chắc và lâu dài.
Mức độ ổn định kinh tế vĩ mô được đánh giá thông qua tiêu chí: chống lạm phát và ổn định tiền tệ. Tiêu chí này được thực hiện thông qua các công cụ của chính sách tài chính tiền tệ như lãi suất, tỷ giá hối đoái, tỷ lệ dự trữ bắt buộc, các công cụ thị trường mở đồng thời phải kiểm soát được mức thâm hụt ngân sách hoặc giữ cho ngân sách cân bằng.
1.3 Hệ thống pháp luật đồng bộ và hoàn thiện, bộ máy quản lý nhà nước có hiệu quả.
Môi trường pháp luật là bộ phận không thể thiếu đối với hoạt động FDI. Một hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn thiện và vận hành hữu hiệu là một trong những yếu tố tạo nên môi trường kinh doanh thuận lợi, định hướng và hỗ trợ cho các nhà ĐTNN. Vấn đề mà các nhà ĐTNN quan tâm là:
– Môi trường cạnh tranh lành mạnh, quyền sở hữu tài sản tư nhân được pháp luật bảo đảm.
– Quy chế pháp lý của việc phân chia lợi nhuận, quyền hồi hương lợi nhuận đối với các hình thức vận động cụ thể của vốn nước ngoài.
– Quy định về thuế, giá, thời hạn thuê đất…Bởi yếu tố này tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm và tỷ suất lợi nhuận. Nếu các quy định pháp lý bảo đảm an toàn về vốn của nhà đầu tư không bị quốc hữu hoá khi hoạt động đầu tư không phương hại đến an ninh quốc gia, bảo đảm mức lợi nhuận cao và việc di chuyển lợi nhuận về nước thuận tiện thì khả năng thu hút FDI càng cao.
Do vậy, hệ thống pháp luật phải thể hiện được nội dung cơ bản của nguyên tắc: Tôn trọng độc lập chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi và theo thông lệ quốc tế. Đồng thời phải thiết lập và hoàn thiện định chế pháp lý tạo niềm tin cho các nhà ĐTNN.
Bên cạnh hệ thống văn bản pháp luật thì nhân tố quyết định pháp luật có hiệu lực là bộ máy quản lý nhà nước. Nhà nước phải mạnh với bộ máy quản lý gọn nhẹ, cán bộ quản lý có năng lực, năng động,có phẩm chất đạo đức. Việc quản lý các dự án FDI phải chặt chẽ theo hướng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư song không ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế và xã hội.
Xem thêm :
Nhận xét
Đăng nhận xét